Chuyển đổi số

Cải cách hành chính đi vào nền nếp

25/04/2024 09:32 69 lượt xem

BHG - Xác định các nhiệm vụ cụ thể và coi cải cách hành chính (CCHC) là 1 trong 5 mục tiêu trọng tâm của chương trình hành động thực hiện kế hoạch phát triển KT – XH năm 2024, đang giúp tỉnh ta đưa CCHC đi vào nền nếp để thu hút nguồn lực, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Để công tác CCHC đi vào nền nếp, ngày 21.7.2023, BTV Tỉnh ủy ban hành Chỉ thị số 28 về chấn chỉnh tác phong, lề lối làm việc và nâng cao trách nhiệm trong thực thi nhiệm vụ của người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu và đội ngũ cán bộ, đảng viên. UBND tỉnh ban hành các văn bản quản lý, chỉ đạo về CCHC, tập trung vào một số nội dung chủ yếu như: Chấn chỉnh, tăng cường trách nhiệm trong thực thi nhiệm vụ, công vụ, nhất là xử lý công việc của các cơ quan, đơn vị; việc nâng cao hiệu quả công tác cải cách thủ tục hành chính (TTHC); tăng cường xử lý, ngăn chặn tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc. Siết chặt kỷ luật, kỷ cương công việc đã giúp việc xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật của tỉnh thực hiện đúng quy trình và đảm bảo chất lượng, tiến độ theo quy định. Quý I, UBND tỉnh ban hành 22 quyết định công bố danh mục TTHC và quy trình giải quyết TTHC; đến nay, có 1.876 TTHC liên quan đến tổ chức, cá nhân có hiệu lực áp dụng trên địa bàn tỉnh. Cấp tỉnh đã giải quyết 12.963 hồ sơ, trong đó trước hạn 12.913 hồ sơ, đạt tỷ lệ 99,61%.

 Công an huyện Mèo Vạc tuyên truyền người dân ứng dụng định danh điện tử trong cuộc sống.
Công an huyện Mèo Vạc tuyên truyền người dân ứng dụng định danh điện tử trong cuộc sống.

Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông, Đỗ Thái Hòa cho biết: “Thông qua cuộc thi tìm hiểu về CCHC dưới hình thức trắc nghiệm trực tuyến đã thu hút được trên 141 nghìn người tham gia với trên 311 nghìn lượt thi, tạo sự lan tỏa rộng rãi đến toàn thể cán bộ, nhân dân trong tỉnh. Mặt khác, tỉnh tổ chức thành công thí điểm sáng kiến cải thiện điều kiện tiếp cận dịch vụ hành chính công cho người dân vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số cho một số xã đã giúp đồng bào dân tộc thiểu số gửi hồ sơ trực tuyến mọi lúc, mọi nơi khi có điều kiện”.

Đặc biệt, Hà Giang là tỉnh đầu tiên trong cả nước tổ chức “Ngày hội truyền thông số” đã giúp nâng cao nhận thức về chuyển đổi số (CĐS) cho người dân. Đây là cách làm mới trong công tác truyền thông chính sách và lan tỏa hình ảnh địa phương đến cộng đồng người dân trong và ngoài nước; tạo diễn đàn gặp gỡ, chia sẻ những cách làm hay, sáng tạo trong công tác truyền thông; thúc đẩy và tăng cường hiệu quả truyền thông, quảng bá về Hà Giang. Mặt khác, tỉnh thực hiện thí điểm việc tổ chức bộ phận một cửa theo hướng thu gọn đầu mối đưa bộ phận một cửa phường Trần Phú và Minh Khai vào hoạt động tại “Bộ phận một cửa thành phố Hà Giang” để tiếp nhận và giải quyết TTHC cấp xã trên địa bàn; các mô hình này đã tiết kiệm chi phí đầu tư trụ sở, xây dựng, duy trì hệ thống công nghệ thông tin tại bộ phận một cửa, thực hiện các TTHC liên thông được thuận tiện.

Năm 2024 là năm có ý nghĩa then chốt trong việc thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh, do đó tỉnh xác định mục tiêu “Đẩy mạnh CCHC, thực hiện quyết liệt, hiệu quả CĐS và Đề án 06 của Chính phủ; cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh; tích cực tháo gỡ khó khăn, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, thu hút đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi để các thành phần kinh tế phát triển”. Đồng chí Nguyễn Văn Sơn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh cho biết: Công tác CCHC thời gian qua tác động tích cực đến nhận thức, trách nhiệm, nhất là hành động của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương trong tỉnh; góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi để phát huy nội lực, thu hút nguồn lực bên ngoài. Năm nay, UBND tỉnh sẽ tiếp tục có sự đổi mới về chỉ đạo, điều hành, phương thức tổ chức thực hiện nhiệm vụ CCHC trên cơ sở khai thác hiệu quả các ứng dụng công nghệ thông tin, đẩy mạnh CĐS, tạo chuyển biến tích cực trong nhận thức, hành động của các cấp, ngành trên địa bàn.

Hiện thực hóa mục tiêu đặt ra, tỉnh tập trung thực hiện các giải pháp nâng cao chỉ số CCHC (Par Index); chỉ số đo lượng sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS); chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI); chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI); chỉ số CĐS cấp tỉnh (DTI). Chuẩn hóa, tái cấu trúc quy trình, đơn giản hóa toàn bộ các TTHC đang có hiệu lực thi hành áp dụng trên địa bàn tỉnh phù hợp với việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến toàn trình và một phần trên cổng dịch vụ công quốc gia; hệ thống thông tin giải quyết TTHC tỉnh. Tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính… hướng đến tạo thuận lợi nhất cho người dân và doanh nghiệp cùng chung sức đưa tỉnh ngày càng phát triển.

Bài, ảnh: Kim Tiến


Tin khác