Thông tin Du lịch

Lễ hội Lồng Tồng, nét văn hóa độc đáo của người Tày

27/02/2024 09:08 67 lượt xem

BHG - Như thường lệ, vào mỗi dịp đầu năm mới, các bản, làng của đồng bào dân tộc Tày trong tỉnh lại nô nức, phấn khởi tham gia Lễ hội Lồng Tồng. Đây là lễ hội độc đáo của người Tày, mang theo thông điệp cầu cho quốc thái, dân an, mùa màng bội thu, cuộc sống ấm no, hạnh phúc.

Lãnh đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết: Hà Giang, mảnh đất nơi địa đầu Tổ quốc, nơi hội tụ của 19 dân tộc anh em chung sống, trong đó dân tộc Tày chiếm khoảng 25% dân số toàn tỉnh. Đồng bào dân tộc Tày sinh sống chủ yếu ở ven các thung lũng, vùng núi thấp của các huyện như: Bắc Quang, Quang Bình, Hoàng Su Phì, Vị Xuyên và thành phố Hà Giang; mỗi bản có khoảng vài chục đến hơn 100 nóc nhà. Trải qua thời gian, người Tày ở Hà Giang vẫn giữ được nhiều nét văn hóa truyền thống đặc sắc như: Kiến trúc nhà sàn truyền thống, nghệ thuật hát Then, đàn Tính, trang phục áo chàm, các trò chơi, lễ hội dân gian.

Việc tổ chức trò chơi dân gian trong các Lễ hội Lồng Tồng của người Tày ở Hà Giang tạo sân chơi bổ ích, tăng cường khối đoàn kết toàn dân.
Việc tổ chức trò chơi dân gian trong các Lễ hội Lồng Tồng của người Tày ở Hà Giang tạo sân chơi bổ ích, tăng cường khối đoàn kết toàn dân.

Lễ hội Lồng Tồng (còn gọi là lễ xuống đồng) là lễ hội quan trọng nhất vào dịp đầu năm mới, gắn liền với nền nông nghiệp trồng trọt của người Tày ở Hà Giang. Lễ hội gồm phần lễ và phần hội, thường được tổ chức ngoài trời, trên một thửa ruộng lớn hoặc khu vực sân trung tâm của các địa phương. Phần lễ chủ yếu là cúng tế trời đất và thần linh cầu cho mưa thuận, gió hòa, quốc thái, dân an. Mâm lễ cúng tế được người Tày chuẩn bị chu đáo với các lễ vật là sản vật của địa phương như: Thủ lợn, xôi, gà, hoa quả, bánh kẹo. Đặc biệt, một thứ không thể thiếu trên mâm lễ đó là hai đôi quả còn được làm bằng vải màu, bên trong nhồi cát hoặc bông, có tua rua sặc sỡ.

Trong phần lễ, nghi thức “Tịch điền” là một trong những thủ tục quan trọng không thể bỏ qua. Người thực hiện nghi thức này thường là người có uy tín trong cộng đồng, già làng, trưởng bản, được nhân dân quý mến, tín nhiệm. Theo đó, họ sẽ cày đường cày đầu tiên trên ruộng như một sự lấy may, tạo thuận lợi cho cả vụ mùa của dân bản, mở đầu cho cuộc sống nhà nông đầu năm mới.

Bịt mắt bắt vịt - trò chơi trong dịp Lễ hội Lồng Tồng tại xã Phương Độ (thành phố Hà Giang).
Bịt mắt bắt vịt - trò chơi trong dịp Lễ hội Lồng Tồng tại xã Phương Độ (thành phố Hà Giang).

Sau phần lễ sẽ diễn ra phần hội với nhiều hoạt động giao lưu văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao đặc sắc, hấp dẫn, trong đó, ném còn là trò chơi vui nhất, đông người tham gia nhất. Người Tày quan niệm trong hội phải có người tung được quả còn ngũ sắc xuyên thủng hồng tâm trên cột còn thì năm đó bản làng mới có thể làm ăn thuận lợi.

Có mặt tại Lễ hội Lồng Tồng xã Phương Độ (thành phố Hà Giang) ngày mùng 6 Tết vừa qua, trò chuyện với chúng tôi, anh Nguyễn Văn Trụ, thôn Tân Tiến, xã Phương Độ không giấu được niềm vui: Tôi có mặt từ rất sớm để tham gia Lễ hội Lồng Tồng, đây là lễ hội được người Tày chúng tôi háo hức đón chờ mỗi dịp năm mới. Tại lễ hội năm nay, tôi và nhiều người trong thôn đã ném xuyên thủng hồng tâm trên ngọn cột còn. Đây được xem là sự khởi đầu cho năm mới với hi vọng có nhiều may mắn đối với thôn bản và cá nhân tôi.

Hòa trong không khí vui tươi của lễ hội trên, anh Trần Thanh Quyết, du khách đến từ Thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ: Năm nay tôi và gia đình quyết định chọn Hà Giang là điểm du Xuân đầu năm. Tình cờ tôi được tham gia, trải nghiệm các hoạt động tại Lễ hội Lồng Tồng xã Phương Độ. Lễ hội đem đến cho chúng tôi nhiều ấn tượng đẹp và kỷ niệm đáng nhớ. Tôi mong muốn chính quyền địa phương tiếp tục duy trì tổ chức hoạt động này dịp đầu năm để du khách có thêm những trải nghiệm ý nghĩa.

Không chỉ riêng xã Phương Độ, trong các ngày từ mùng 4 – 10 tháng Giêng, rất nhiều các địa phương trong tỉnh có đồng bào dân tộc Tày sinh sống đã tổ chức Lễ hội Lồng Tồng. Việc duy trì tổ chức hoạt động văn hóa này dịp đầu Xuân giúp thắt chặt tình đoàn kết trong cộng đồng dân cư, tạo sân chơi bổ ích và khí thế thi đua lao động sản xuất trong nhân dân. Mặt khác, lễ hội còn góp phần bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống, tạo sản phẩm du lịch đặc sắc thu hút khách du lịch đến nhiều hơn với mảnh đất nơi cực Bắc địa đầu Tổ quốc.

Bài, ảnh: TRẦN KẾ


Tin khác